Đầu hàng Onoda_Hirō

Ngày 5 tháng 10 năm 1972, sau 27 năm ẩn trốn, Kozuka, ở tuổi 51, bị giết trong một cuộc chạm súng với lính tuần tra Philippines. Tin tức về cái chết của Kozuka khi tới Nhật Bản đã gây sốc cho công chúng nước này vì họ không ngờ rằng vẫn còn những người lính Nhật cầm súng "chiến đấu" sau khi chiến tranh đã kết thúc gần ba thập kỷ[6]. Thực tế việc tìm kiếm những ikinokori heitai (những binh lính sống sót) hay zanryūsha (người bị bỏ lại) ở Lubang đã bị chính phủ Nhật chấm dứt từ năm 1959, toàn bộ những người lính còn mất tích như Onoda đều được tuyên bố chính thức là đã chết từ thời điểm đó[7].

Về phần mình, dù không còn đồng đội nào bên cạnh, Onoda vẫn tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của thượng cấp, ông không đầu hàng hay tìm cách tự tử. Tháng 2 năm 1974, Suzuki Norio, một thanh niên Nhật vốn ham thích du lịch đã bay tới Lubang để tìm hiểu về sự kiện này. Tối ngày 20 tháng 2, trong khi đang nấu ăn, Suzuki bất ngờ nghe thấy tiếng chào và khi quay lại, anh thấy một người đàn ông già ăn mặc rách rưới nhưng tay vẫn cầm súng, người đàn ông đó nói: "Tôi là Onoda". Suzuki lập tức đáp lại: "Chiến tranh đã kết thúc", Onoda tiếp lời: "Nhưng nó chưa kết thúc đối với tôi"[8]. Mặc dù sau đó Suzuki đã tìm mọi cách thuyết phục người lính già đầu hàng với những bằng chứng từ đài phát thanh, ảnh, báo chí, nhưng Onoda vẫn khẳng định chỉ hạ vũ khí nếu có lệnh của thượng cấp.

Ngày 27 tháng 2, tin và ảnh của Suzuki về Onoda Hirō được đăng rộng rãi trên báo chí Nhật Bản. Ngay lập tức cấp trên trực tiếp của Onoda là đại tá Taniguchi, lúc này là một người bán sách[2], cùng Toshio, em trai Onoda và người đứng đầu cơ quan hỗ trợ hồi hương Nhật bay tới Lubang và ra lệnh cho Onoda hạ vũ khí.

Ngày 10 tháng 3 năm 1974, trong một buổi lễ chính thức, thiếu úy Onoda Hirō, 52 tuổi, trong quân phục của Lục quân Đế quốc Nhật Bản, đã nhận lệnh hạ vũ khí từ đại tá cấp trên Taniguchi. Khi hạ vũ khí, Onoda vẫn còn khẩu súng trường Arisaka, 500 viên đạn và vài quả lựu đạn. Buổi lễ còn có sự tham gia của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người ra lệnh ân xá cho những hoạt động chống lại quân đội Philippines của Onoda, mặc dù trong thời gian ẩn náu, Onoda đã giết khoảng 30 người Philippines và giao tranh với quân tuần tiễu Philippines vài lần.